top of page
  • TTT

Hỗ trợ về sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên

Nhận biết về các dấu hiệu cảnh báo và cách hướng dẫn con trẻ

Trong suốt giai đoạn vị thành niên, sự nuôi dưỡng và hỗ trợ của cha mẹ vẫn là một trong những yếu tố quan trọng nhất để mang lại hạnh phúc và sức khỏe tâm thần tốt cho con. Mối quan hệ tích cực với cha mẹ và người chăm sóc vẫn đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển và sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi vị thành niên.


Sẽ có những lúc bạn nhận thấy con mình có những thay đổi về hành vi, tâm trạng hay sự thích thú khi tận hưởng những hoạt động mà con yêu thích. Bạn có thể sẽ cảm thấy lo lắng nhưng lại không rõ nên giúp đỡ con như thế nào. Một số thay đổi có thể gắn liền với các giai đoạn phát triển thông thường. Dù vậy, nếu những thay đổi này kéo dài trong nhiều tuần và làm rối loạn cuộc sống hàng ngày, việc tìm kiếm sự giúp đỡ là rất quan trọng.


Nếu bạn nhận thấy một hoặc nhiều hành vi sau đây ở con mình, bạn nên tham vấn các cán bộ chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc bác sỹ tâm lý:

  • Cảm thấy buồn rầu hoặc thu mình trong hơn 2 tuần

  • Tự làm hại hoặc có ý định tự làm hại bản thân, có nói đến việc tự tử

  • Cảm thấy sợ hãi đột ngột không rõ nguyên nhân, đôi khi có dấu hiệu tim đập nhanh hoặc thở gấp

  • Tham gia ẩu đả, cố tình gây thương tích cho người khác

  • Ăn uống không lành mạnh, bao gồm ăn quá nhiều, quá ít hoặc tập thể dục quá sức với mục đích giảm cân

  • Lo lắng hoặc sợ hãi dữ dội gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày

  • Rất khó tập trung hoặc ngồi yên một chỗ

  • Sử dụng chất kích thích hoặc rượu bia

  • Thay đổi tâm trạng nghiêm trọng dẫn đến các vấn đề trong mối quan hệ với gia đình và bạn bè

  • Thay đổi rõ rệt trong hành vi và tính cách

Trong quá trình hỗ trợ, nếu bạn nhận thấy con mình có thể đang gặp khó khăn nào tương tự như trên, hãy trấn an con, cho con biết rằng luôn có sự trợ giúp dành cho con và hỏi xin sự cho phép của con để tìm kiếm thêm sự trợ giúp khác, trừ khi bạn nghĩ rằng con có dấu hiệu gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người xung quanh. Có thể hỏi như sau:

  • “Thật tốt vì con đã nói cho bố mẹ biết về chuyện này. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm thêm sự giúp đỡ để con không phải cảm thấy như vậy nữa. Con cảm thấy được không?”

  • “Dạo này có vẻ con không được giống như mọi ngày, và với mọi thứ đang diễn ra, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Bố mẹ biết một người rất đáng tin có thể giúp con cảm thấy tốt hơn. Con nghĩ sao nếu chúng ta sắp xếp thời gian cho con gặp họ?

Nếu con bạn từ chối, bạn có thể thảo luận về những lo lắng của mình với bác sĩ, người có thể hướng dẫn cho bạn những việc cần làm để hỗ trợ con bạn hoặc giúp bạn đánh giá bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào.

Điều quan trọng nhất là hãy để con bạn biết rằng bạn luôn quan tâm, yêu thương và hỗ trợ con, và sẽ luôn ở bên để giúp đỡ con trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cả bạn và con có thể sẽ cảm thấy hơi mơ hồ về những bước cần thực hiện, nhưng hãy trấn an rằng bạn và con sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề và hạnh phúc của con luôn là ưu tiên hàng đầu của bạn.


(theo Unicef)

Thương Trẻ Thơ (TTT) là một phong trào thiện nguyện cùng chung tay chăm sóc các trẻ thơ mồ côi do Covid-19, hoạt động với tình thương trẻ thơ, cho đi không vụ lợi, minh bạch nhằm giúp các em có được đầy đủ dinh dưỡng, học tập, lớn lên trong tình yêu thương & được bảo bọc khỏi các quấy rối, khó khăn. Mục tiêu của TTT là giúp được 1.000 em trong 5 năm.

0 comments
ThuongTreTho_Logo-2.png
bottom of page