top of page
  • TTT

Cách hỗ trợ trẻ vị thành niên trong giai đoạn căng thẳng

Hãy trở thành người bạn đồng hành cùng trẻ vượt qua những tình huống khó khăn.

Cho dù bạn và con đang hòa thuận hay mâu thuẫn với nhau, điều quan trọng là bạn thể hiện tình yêu thương và ủng hộ đối với con, và nhớ rằng bạn và con yêu thương nhau nhiều đến mức nào. Dưới đây là một số mẹo để bạn có thể giúp con bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn, đồng thời chăm sóc chính bản thân mình!

Khuyến khích con giãi bày cảm xúc của mình

  • Tìm các cách khác nhau để hỏi thăm con. Hãy hỏi về ngày hôm nay của con và những việc con đã làm. Bạn có thể rủ con cùng làm một công việc nào đó, chẳng hạn như chuẩn bị bữa tối, để có thời gian trò chuyện về ngày hôm nay của con.

  • Nhắc con nhớ rằng bạn luôn ở bên con trong bất cứ hoàn cảnh nào, và bạn luôn muốn lắng nghe cảm xúc và suy nghĩ của con.

  • Công nhận và thấu hiểu những cảm xúc mà con có thể đang trải qua, cho dù đó là những cảm xúc không dễ chịu. Ví dụ, bạn có thể phản hồi: “Bố/mẹ hiểu”, “Có vẻ đây là một tình huống khó” hoặc “Điều đó hoàn toàn hợp lý” khi con tâm sự với bạn.

  • Bạn thường dễ chú ý đến những điều con đang làm mà bạn không thích. Nhưng hãy cố gắng để ý và dành lời khen cho con về những việc mà con làm tốt (kể cả những việc cực kỳ đơn giản!).

Dành thời gian hỗ trợ con

  • Cùng nhau thiết lập các thói quen mới và các mục tiêu có thể đạt được mỗi ngày vì hoàn cảnh của bạn có thể thay đổi tùy tình hình.

  • Trẻ vị thành niên cần có sự độc lập! Hãy cố gắng tạo cho con khoảng thời gian và không gian riêng phù hợp để con trở nên tự lập và gánh vác thêm nhiều trách nhiệm hơn. Việc cần không gian riêng chính là nhu cầu thường thấy trong quá trình trẻ trưởng thành.

  • Hãy tìm một số phương pháp để bạn giúp đỡ và khuyến khích con nghỉ ngơi (tạm dừng làm bài tập ở trường, làm việc nhà hoặc thực hiện các hoạt động khác) để làm những việc con thích và dành thời gian bên bạn bè. Nếu con bạn cảm thấy bực bội, hãy cùng con nghĩ ra một số giải pháp cho các vấn đề con đang gặp phải. Cố gắng không áp đặt và bắt con phải làm theo ý mình.

Cùng nhau giải quyết mâu thuẫn giữa bạn và con

  • Hãy lắng nghe quan điểm của con và cố gắng giải quyết mâu thuẫn giữa bạn và con một cách bình tĩnh. Hãy nhớ rằng: ai cũng đều cảm thấy mệt mỏi!

  • Không thảo luận về một vấn đề khi bạn đang nóng giận. Hãy đi ra nơi khác, hít thở sâu và bình tĩnh lại - bạn có thể thảo luận lại với con sau.

  • Không tranh giành quyền kiểm soát. Trong bối cảnh khó lường như hiện nay, trẻ vị thành niên có thể sẽ giành quyền kiểm soát. Cho dù thời điểm hiện tại có khó khăn, hãy thấu cảm với mong muốn được khẳng định quyền kiểm soát khi cảm thấy sợ hãi, thay vì cố gắng phản bác hoặc trấn áp trẻ.

  • Thành thật và minh bạch với con: bạn có thể cho con biết rằng bạn cũng đang cảm thấy căng thẳng hay cảm thấy mông lung, không chắc chắn và sợ hãi. Việc cho con thấy cách bạn cũng đang trải quan những cảm xúc tiêu cực có thể giúp con hiểu rằng cảm xúc của con là hoàn toàn bình thường.

  • Khi có mâu thuẫn, hãy dành một chút thời gian để nhìn lại về cách mà bạn và con có thể giải quyết mâu thuẫn đó. Bạn có thể thảo luận với con để con thấy cách bạn tư duy như thế nào.

Dành thời gian chăm sóc bản thân

Là người chăm sóc, bạn có rất nhiều vấn đề phải đối mặt. Chính bạn cũng cần được chăm sóc và hỗ trợ. Việc tự chăm sóc bản thân cũng là một cách tốt để làm gương cho con bạn.

  • Đừng ngại nhờ người khác giúp đỡ nếu bạn đang cảm thấy choáng ngợp. Bản cảm thấy như vậy là một chuyện bình thường và không có vấn đề gì. Hãy tâm sự với một thành viên trong gia đình hoặc một người khác mà bạn có thể trò chuyện cùng.

  • Dành thời gian cho các mối quan hệ của mình. Lên lịch cho những dịp gặp gỡ với những người luôn hỗ trợ và thấu hiểu bạn. Cố gắng tìm một vài người mà bạn có thể chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm của bản thân.

  • Dành thời gian trong ngày để làm những việc giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Cho dù bạn đã có một ngày bận rộn hay thong thả, chúng ta đều biết rằng việc dành thời gian chăm sóc cho bản thân là điều cần thiết đối với sức khỏe.

  • Hãy thử các biện pháp giải tỏa tích cực có hiệu quả với bạn. Một vài ý tưởng bao gồm: - Tập thể dục - Trò chuyện với bạn bè - Lập danh sách những việc cần làm hoặc lên trước kế hoạch - Duy trì thói quen và sinh hoạt điều độ - Suy ngẫm về những điều bạn cảm thấy biết ơn hoặc tự hào - Làm những điều bạn thích như hoạt động âm nhạc, nghệ thuật, khiêu vũ - Viết nhật ký

(Theo Unicef)

Thương Trẻ Thơ (TTT) là một phong trào thiện nguyện cùng chung tay chăm sóc các trẻ thơ mồ côi do Covid-19, hoạt động với tình thương trẻ thơ, cho đi không vụ lợi, minh bạch nhằm giúp các em có được đầy đủ dinh dưỡng, học tập, lớn lên trong tình yêu thương & được bảo bọc khỏi các quấy rối, khó khăn. Mục tiêu của TTT là giúp được 1.000 em trong 5 năm.

0 comments
ThuongTreTho_Logo-2.png
bottom of page