Vì sức khỏe tâm thần và thể chất tốt hơn và tuổi thơ hạnh phúc cho trẻ.
Là cha mẹ, ai cũng có lúc chật vật trong việc tìm ra cách tốt nhất để kỷ luật con cái. Thật khó để kiềm chế khi phải xử lý một đứa bé đang gào khóc hay một thiếu niên đang cáu giận. Không một cha mẹ nào muốn rơi vào tình cảnh như vậy, nhưng quát mắng hay bạo lực thể chất đều không phải là giải pháp.
May mắn thay, vẫn còn các biện pháp hiệu quả hơn và một trong số đó chính là kỷ luật tích cực. Chúng tôi đã tham vấn Giáo sư Lucie Cluver, Giảng viên Công tác xã hội với Trẻ em và Gia đình tại Đại học Oxford, đồng thời là mẹ của hai cậu con trai nhỏ, để tìm hiểu vì sao cách tiếp cận này có thể giúp cha mẹ xây dựng mối quan hệ tích cực với con và dạy con các kỹ năng như ý thức trách nhiệm, tinh thần hợp tác và tính kỷ luật tự giác.
Không có trẻ em hư, chỉ có hành vi xấu.
Vì sao nên kỷ luật tích cực?
“Cha mẹ không hề muốn quát mắng hay đánh con. Chúng ta làm vậy vì chúng ta quá căng thẳng và không thấy còn cách nào khác,” Giáo sư Cluver nói.
(Giáo sư Cluver)
Các bằng chứng đã chỉ rõ: quát mắng hay đánh con không có tác dụng mà lợi bất cập hại về lâu dài. Việc đánh mắng liên tục thậm chí có thể để lại ảnh hưởng bất lợi kéo dài suốt cuộc đời của trẻ. “Căng thẳng độc hại” liên tục gây ra từ việc bị đánh mắng như vậy có thể dẫn đến một loạt hậu quả như xác suất bỏ học, mắc bệnh trầm cảm, sử dụng ma túy, tự tử và mắc bệnh tim cao hơn.
“Giống như một loại thuốc mà sẽ không có tác dụng và ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn,” Giáo sư Cluver chia sẻ. “Khi chúng ta nhận thấy một cách không có tác dụng, đó chính là lý do hợp lý để tìm kiếm một cách tiếp cận mới.”
Thay vì tập trung vào hình phạt và những điều con không được làm, phương pháp kỷ luật tích cực đặt trọng tâm vào việc phát triển mối quan hệ lành mạnh với con cái và đặt ra kỳ vọng về hành vi của trẻ. Tin vui cho các bậc cha mẹ là phương pháp này có tác dụng và sau đây là cách áp dụng trong thực tế:
1. Lên kế hoạch có thời gian riêng với con
Thời gian riêng rất quan trọng trong việc xây dựng một mối quan hệ tốt, đặc biệt với con. “Có thể là 20 phút mỗi ngày. Hoặc thậm chí là 5 phút. Bạn có thể kết hợp khoảng thời gian đó với những việc khác như cùng con vừa rửa bát vừa hát hoặc vừa trò chuyện vừa phơi quần áo,” Giáo sư Cluver chia sẻ. “Điều quan trọng là bạn tập trung vào con mình. Hãy tắt ti vi, tắt điện thoại, ngồi ngang tầm mắt con và chỉ có bạn và con.”
2. Khen ngợi điểm tốt
Làm cha mẹ, chúng ta thường chú ý và chỉ ra những hành vi xấu của con mình. Trẻ có thể coi đây là một cách để thu hút sự chú ý của bạn và tiếp tục tái diễn những biểu hiện xấu đó thay vì dừng lại.
Càng được khen thì trẻ càng phát huy. Những lời khen sẽ khiến trẻ sẽ cảm thấy mình đặc biệt và được yêu thương. “Hãy để ý khi con bạn làm điều gì đó tốt và khen ngợi con, ngay cả khi đó chỉ là việc dành 5 phút chơi với em,” Giáo sư Cluver khuyên. “Việc này có thể khuyến khích con có những hành vi tốt và hạn chế cần đến kỷ luật.”
3. Đặt ra kỳ vọng rõ ràng
“Nói với con chính xác những gì bạn muốn con làm sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với bảo con không được làm gì,” Giáo sư Cluver chia sẻ. “Khi bạn yêu cầu con không được bày bừa hay phải ngoan, con sẽ không thực sự hiểu mình được yêu cầu phải làm gì.” Những yêu cầu rõ ràng như “Con hãy nhặt đồ chơi và cất vào hộp nhé” sẽ đặt ra kỳ vọng rõ ràng và tăng xác suất con sẽ làm theo những gì bạn bảo.
“Nhưng bạn cũng cần đặt ra những kỳ vọng khả thi. Yêu cầu con im lặng cả ngày có thể sẽ không khả thi bằng yêu cầu con im lặng 10 phút để bạn nghe điện thoại,” Giáo sư Cluver nói. “Bạn biết khả năng của con mình đến đâu. Nhưng nếu bạn yêu cầu con những điều không thể thì con chắc chắn sẽ không làm được.”
4. Đánh lạc hướng một cách sáng tạo
Theo Giáo sư Cluver, khi con bạn khó bảo, việc đánh lạc hướng con bằng một hoạt động tích cực hơn có thể là một cách hữu ích. “Khi bạn đánh lạc hướng con sang một điều gì đó khác - bằng cách thay đổi chủ đề, giới thiệu một trò chơi, dẫn con sang phòng khác hoặc đi dạo, bạn có thể chuyển hướng năng lượng của con sang những hành vi tích cực hơn.”
Việc căn thời điểm cũng rất quan trọng. Để đánh lạc hướng, bạn cũng cần nhận ra khi nào mọi việc sắp diễn ra không như ý muốn và hành động. Lưu ý đến thời điểm con bạn bắt đầu trở nên cáu kỉnh, khó bảo hoặc khó chịu, hoặc khi hai đứa con cùng nhìn vào một món đồ chơi, có thể giúp bạn nhận biết một sự cố tiềm ẩn trước khi nó kịp xảy ra.
5. Cho trẻ thấy hậu quả một cách bình tĩnh
Một phần của quá trình trưởng thành chính là học được rằng hành động có thể dẫn đến hệ quả. Giải thích điều này cho con bạn là một cách đơn giản để vừa khuyến khích con có những hành vi tốt hơn, vừa dạy con về tinh thần trách nhiệm.
Cho con bạn cơ hội làm điều đúng đắn bằng cách giải thích về hậu quả mà hành vi không tốt do con gây ra. Giả dụ, nếu bạn muốn con ngừng vẽ nguệch ngoạc lên tường, bạn có thể yêu cầu con dừng lại, nếu không bạn sẽ không cho con chơi nữa. Đây là một lời cảnh cáo đối với con và cũng là một cơ hội để con thay đổi hành vi của mình.
Nếu con không dừng lại, hãy cho trẻ thấy hậu quả một cách bình tĩnh và không biểu lộ sự tức giận, “và hãy khen ngợi bản thân - điều đó không dễ dàng gì!” Giáo sư Cluver cho biết thêm.
Theo lời khuyên của Giáo sư Cluver, nếu con dừng lại, hãy dành nhiều lời khen ngợi cho con. “Những gì bạn đang làm là tạo ra một vòng lặp phản hồi tích cực dành cho con bạn. Cho trẻ thấy hậu quả một cách bình tĩnh đã được chứng minh là có tác dụng trong việc giúp trẻ em nhận thức được chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng cư xử không tốt.”
Nhất quán là yếu tố then chốt trong việc nuôi dạy tích cực, và cũng là lý do tại sao việc cho trẻ thấy hậu quả rất quan trọng. Và bạn cũng cần đặt ra những hậu quả hợp lý. "Bạn có thể tịch thu điện thoại của trẻ vị thành niên trong một giờ, nhưng sẽ rất khó để tịch thu trong một tuần"
Tương tác với trẻ nhỏ
Khoảng thời gian riêng có thể rất vui - và hoàn toàn tự do thoải mái! “Bạn có thể bắt chước biểu cảm của con, gõ nồi cùng con hoặc hát cùng con,” Giáo sư Cluver nói thêm. “Có một nghiên cứu tuyệt vời cho thấy việc chơi cùng con sẽ giúp con phát triển trí não”.
Tương tác với trẻ lớn
Giống với trẻ nhỏ, thanh thiếu niên cũng muốn được khen ngợi và nhìn nhận là ngoan. Khoảng thời gian riêng vẫn rất quan trọng đối với các em. “Con bạn sẽ rất vui nếu bạn nhảy múa quanh phòng cùng con hoặc tham gia vào cuộc trò chuyện về ca sĩ mà con yêu thích,” Giáo sư Cluver cho rằng. “Không phải lúc nào con cũng bộc lộ ra bên ngoài, nhưng sự thật là như vậy. Và đó là một cách hiệu quả để xây dựng mối quan hệ theo cách khiến con thoải mái"
Khi đưa ra các kỳ vọng, hãy “nhờ con giúp bạn đưa ra một số quy tắc,” Giáo sư Cluver gợi ý. “Cùng con ngồi xuống và cố gắng thống nhất những việc nên làm và không nên làm trong nhà. Con bạn cũng có thể giúp bạn quyết định về những hệ quả của hành vi không thể chấp nhận được. Tham gia vào quá trình này sẽ giúp con biết rằng bạn hiểu con đang trở thành cá thể độc lập."
Lời khuyên dành cho cha mẹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Đại dịch đã mang lại những thay đổi đột ngột và mạnh mẽ đến cuộc sống của các gia đình, và các bậc cha mẹ chính là những người trực tiếp chịu tác động của những thay đổi đó. Dưới đây là một số mẹo có thể giúp các bậc cha mẹ vượt qua điều này cũng như bất kỳ giai đoạn căng thẳng nào khác:
1. Tạm dừng
Chúng ta đều mệt mỏi khi con cái không vâng lời. Trong những tình huống như vậy, việc chú tâm vào thực tại và lùi lại một bước là một chiến thuật đơn giản và hữu ích. Hãy nhấn “nút tạm dừng”, theo cách nói của giáo sư Cluver. “Hít thở sâu 5 lần một cách từ từ và cẩn thận, và bạn sẽ nhận thấy mình có thể phản ứng một cách bình tĩnh hơn và có cân nhắc hơn. Các bậc cha mẹ trên khắp thế giới nói rằng chỉ cần tạm dừng như vậy cũng vô cùng hữu ích."
2. Lùi lại
Giáo sư Cluver cho biết, cha mẹ thường quên đi việc chăm sóc bản thân. “Hãy dành một chút thời gian cho chính mình, chẳng hạn như khi con đã ngủ, hãy làm điều gì đó khiến bạn cảm thấy vui vẻ và bình tâm. Là cha mẹ, rất khó để làm đúng tất cả mọi việc khi chính bạn còn chưa dành cho mình thời gian nghỉ ngơi”.
3. Khen ngợi bản thân
Giáo sư Cluver khuyên rằng: nhiều khi bạn quên rằng làm cha mẹ là một công việc phi thường, nên hãy dành lời khen cho bản thân mình. “Mỗi ngày, có thể trong khi đánh răng, hãy dành một chút thời gian để hỏi: "Một điều mà mình đã thực sự làm tốt cùng các con trong hôm nay là gì?" Và hãy nhớ rằng bạn đã làm một điều tuyệt vời.”
“Có thể chúng ta đang cách ly, nhưng bạn hoàn toàn không đơn độc,” Giáo sư nói. “Hàng triệu cha mẹ trên khắp thế giới đều đang cố gắng và chúng ta đều thất bại một lúc nào đó. Nhưng rồi chúng ta thử lại lần nữa, và chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn này.”
(theo Unicef)
Thương Trẻ Thơ (TTT) là một phong trào thiện nguyện cùng chung tay chăm sóc các trẻ thơ mồ côi do Covid-19, hoạt động với tình thương trẻ thơ, cho đi không vụ lợi, minh bạch nhằm giúp các em có được đầy đủ dinh dưỡng, học tập, lớn lên trong tình yêu thương & được bảo bọc khỏi các quấy rối, khó khăn. Mục tiêu của TTT là giúp được 1.000 em trong 5 năm.
Commentaires